Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thanh Mân đối thoại với các cơ sở kinh doanh hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm
Sáng 6/11, UBND thành phố Kon Tum tổ chức đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo thành phố với cơ sở kinh doanh hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm trên dịa bàn. Đồng chí Nguyễn Thanh Mân – Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố chủ trì buổi đối thoại. Tham dự có đại diện lãnh đạo các phòng ban chuyên môn của thành phố, UBND các xã, phường cùng các hộ kinh doanh hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm.
Quang cảnh buổi đối thoại
Hiện nay, UBND thành phố đã hoàn thành xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung tại Tổ 1, phường Ngô Mây, quy mô khoảng hơn 12.000m2. Thành phố đã hoàn thành đầu tư hạ tầng giao thông, các hạng mục gồm: điện, nước, hệ thống xử lý thải, nhà giết mổ, công trình phụ trợ khác. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các cơ sở giết mổ vào giết mổ tập trung. Tuy nhiên, thời gian qua các hộ vào thực hiện hoạt động giết mổ tập trung vẫn còn rất ít.
Tại buổi đối thoại, UBND thành phố đã thông báo 2 phương án để đưa lò giết mổ sớm đi vào hoạt động hiệu quả trong thời gian tới. Phương án 1: Cho thuê mặt bằng, cơ sở kinh doanh hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm tự phải đầu tư hạ tầng thiết yếu để hoạt động. Theo đó, các cơ sở giết mổ được thuê mặt bằng với giá 0 đồng/lô (không đồng); thời gian thuê 20 năm, được tính kể từ ngày ký kết hợp đồng; sau khi ký kết hợp đồng thuê mặt bằng các hộ phải tiến hành đầu tư xây dựng lò giết mổ theo thiết kế mẫu đã quy định; ngoài mặt bằng được tính 0 đồng các hộ phải đóng các loại phí, giá dịch vụ theo quy định.
Phương án 2: Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp thành phố cung ứng dịch vụ giết mổ gia súc, gia cầm. Theo đó, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp thành phố thành lập Tổ giết mổ, trực tiếp cung cấp dịch vụ giết mổ; các hộ dân có nhu cầu giết mổ mang gia súc, gia cầm vào lò giết mổ, tại đây đội ngũ giết mổ sẽ thực hiện giết mổ. Các hộ đóng phí và giá dịch vụ theo quy định.
Trên tinh thần công khai, dân chủ, lắng nghe và cầu thị, các hộ kinh doanh hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm tiếp tục có ý kiến cho rằng: lò giết mổ tập trung được xây dựng ở địa điểm quá xa, gây bất tiện; một số hộ dân đã xây dựng lò giết mổ tại nhà, mong muốn được hỗ trợ chi phí để di dời và kinh phí đầu tư lò giết mổ tại cơ sở tập trung; một số hộ lo lắng khi giết mổ tập trung sẽ tốn nhiều chi phí hơn, khó cạnh tranh về giá cả đối với các hộ giết mổ trái phép bên ngoài, đề nghị quả lý nghiêm hoạt động giết mổ để đảm bảo công bằng trong quá trình kinh doanh; mong muốn được đầu tư hệ thống đường, điện đường từ tỉnh lộ 675 vào lò giết mổ tập trung...Đa số các ý kiến tham gia đều thống nhất dựa trên phương án 1 của thành phố đề ra.
Phát biểu kết luận buổi đối thoại, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thanh Mân thông tin, trước mắt thành phố sẽ đầu tư xây dựng mái vòm khoảng 1000m2, các hộ sẽ đầu tư xây dựng chuồng trại để nuôi nhốt gia súc, gia cầm phục vụ hoạt động giết mổ; thành lập 1 tổ giết mổ gia súc, gia cầm trong khu giết mổ tập trung đáp ứng nhu cầu của các hộ không trực tiếp giết mổ. Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh, đến ngày 15/12/2021, thành phố sẽ dừng tất cả các hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm không đúng quy định của pháp luật; Thành phố sẽ thành lập tổ liên ngành để kiểm tra, xử lý việc giết mổ “chui”, giết mổ tại nhà không phép và xử lý nghiêm sai phạm theo quy định của pháp luật.
Chủ tịch UBND thành phố giao Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp thành phố lập phương án thiết kế, phân lô, phân thửa, tổ chức cho các hộ kinh doanh bốc thăm, nhận lô và thông báo các chi phí dịch vụ để lò giết mổ tập trung sớm đi vào hoạt động hiệu quả./.